ĐỂ NIỀM VUI NGÀY TÌM HIỂU ƠN GỌI ĐƯỢC TRIỂN NỞ

21/04/2024
1896



ĐỂ NIỀM VUI NGÀY TÌM HIỂU ƠN GỌI ĐƯỢC TRIỂN NỞ

Ngày 21.04.2024, Giáo Phận Thanh Hóa tổ chức ngày tìm hiểu ơn gọi với sự tham gia của hơn 2.300 bạn trẻ. Và để niềm vui của ngày gặp gỡ, tìm hiểu này được triển nở. Xin được góp một vài gợi ý cho các bạn trẻ trong việc phân định ơn gọi của mình.

Thông thường, khi nói đến ơn gọi, chúng ta nghĩ ngay đến ơn Chúa gọi đi tu làm linh mục, thầy dòng, các Sơ... Còn giáo dân không phải là những người đi tu nên không có ơn gọi. Chúng ta biết rằng, từ ngữ "ơn gọi" dịch từ tiếng La tinh là Vocatio, do động từ Vocare, có nghĩa là kêu gọi, mời gọi. Khi dùng nó vào lĩnh vực tôn giáo, Vacatio thường dùng để chỉ lời kêu gọi của Thiên Chúa, gọi người này, người kia làm việc gì đó theo ý Người.

Trong tiếng Pháp, ơn gọi là Vocation, từ điển Larousse giải nghĩa là : hành động của Đấng quan phòng thúc đẩy tất cả mọi thụ tạo có lý trí giữ một nhiệm vụ đã định sẵn, hoặc là khuynh hướng hay năng khiếu đặc biệt trong nghề nghiệp. Còn trong các văn kiện của Công Đồng Vatican II, từ ngữ Vocatio được sử dụng hết sức rộng rãi : "Tất cả mọi người đều được ơn gọi gia nhập dân mới này của Thiên Chúa'' đều có danh hiệu chung là Kitô hữu.

Như thế, chúng ta hiểu tất cả mọi người Kitô hữu, dù giàu nghèo hay sang hèn, đều có ơn gọi tùy theo đời sống của mình. Chứ không phải chỉ các cha, các thầy, các Sơ mới là những người có ơn gọi. Tất cả chúng ta đều có ơn gọi. Vì thế, mỗi người cần sống theo ơn gọi của mình, nên từ Vocatio (ơn gọi) dùng để chỉ nghĩa vụ chứ không còn dùng riêng để chỉ bậc giáo sỹ, tu sĩ nữa. Vì vậy, có ơn gọi linh mục, ơn gọi tu sĩ và cũng có ơn gọi của giáo dân. Ơn gọi là ơn Chúa gọi mỗi người : Sống làm người và làm con Chúa. 

Chúng ta đã biết ơn gọi là ơn Chúa kêu gọi chúng ta và sự đáp ứng của chúng ta bằng cả cuộc đời dấn thân theo tiếng gọi đó. Vì thế luôn luôn phải có người gọi và kẻ nghe lời và đáp ứng.

Tiếng gọi của Chúa : không phải chúng ta chọn Chúa, nhưng là Chúa chọn và gọi chúng ta. “Không phải các con chọn thầy, nhưng chính thầy đã chọn các con” ( Ga 15,17 ).

Lời đáp trả của chúng ta : Chúa gọi, nhưng chúng ta phải đáp ứng mới có ơn gọi cho chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta đang đi trên một quãng đường vắng, nghe tiếng gọi tên mình ở đằng sau, nếu chúng ta ngoảnh lại, dừng lại, thì đó là dấu hiệu chúng ta đã nghe tiếng gọi ; còn nếu chúng ta làm ngơ, cúi đầu đi nhanh hơn, thì chúng ta đã không đáp ứng. Mỗi người phải chọn cho mình một con đường, một hướng đi phù hợp và dấn thân đi theo con đường đó.

Cho dù  là ơn gọi lập gia đình hay đi tu, thì bất cứ ơn gọi nào cũng có những điều kiện của nó.

Điều kiện của ơn gọi  là hiến dâng.

Theo lẽ tự nhiên, con người thường sợ phải dâng  hiến, hiến dâng là chết đi trong lòng không phải một ít mà là toàn thân. Thật vậy, một cô, một cậu, đang tuổi thanh xuân phơi phới, với bao nhiêu người ngấp nghé, tìm hiểu, bao mộng mơ trong cuộc đời, có đầy đủ khả năng để yêu thương, có đủ triển vọng để  xây dựng một tương lai tươi sáng, nhưng cô, cậu đó đã hy sinh cho một tình yêu lớn hơn. Người ta đã phải thán phục và cảm động khi thấy những bạn trẻ trong tấm y phục đơn sơ, giản dị, phủ phục xuống đất ngày thụ phong linh mục hay ngày khấn dòng, với tâm tình muốn thưa lên cùng Chúa :

"Này con đây ôi lạy Chúa

Là lời xưa đáp lại tiếng kêu mời

Là cuộc tình muôn thuở Chúa Ba Ngôi

Là ân huệ ư, rất mầu nhiệm

Chúa gọi con và con xin dâng hiến"

Ơn gọi tu trì  hoặc hôn nhân

Mỗi chúng ta đây cho dù là tính cách sở thích giàu nghèo khác nhau, cũng đều phải lựa chọn một trong hai thứ ơn gọi : đi tu hay lập gia đình.

Kinh Thánh nói rằng : "Đàn ông ở một mình không tốt”  (St 2, 18) gợi cho chúng ta hai vấn đề :

 Từ nguyên thủy Thiên Chúa đã tỏ ý rằng, người muốn con người sống có đôi. Tuy vậy, nhiều người đã dùng câu nói nầy để biện minh khi họ không muốn đi tu, cho rằng ở một mình không tốt, như vậy phải lấy vợ ! Cũng có lý, nhưng cần hiểu rằng Chúa cũng đã từng mời gọi các tông đồ bỏ nhà cửa, vợ con gia đình để theo Chúa.

 Đàn ông ở một mình không tốt, chứ phụ nữ thì sao ? Họ ở một mình có tốt không ? Điều này cho dù Kinh Thánh không nói rõ, nhưng chúng ta thấy, khi con rắn cám dỗ bà Evà phạm tội, thì lúc đó bà ở một mình (không có đàn ông bên cạnh). Như thế, đàn bà ở một mình có tốt không ? Điều này xin các bạn nữ tự trả lời.

Như thế, tu trì với hôn nhân là hai ơn gọi hay hai bậc sống. Chúng ta chỉ có thể chọn một trong hai : hoặc là đi tu, hoặc là lập gia đình, không thể chọn cả hai và cũng không được bắt cá hai tay (dĩ nhiên có bạn sẽ thắc mắc là còn một con đường thứ ba nữa : không đi tu và cũng không lập gia đình. Con đường này ngoại thường phải có ơn gọi riêng, vì sống độc thân giữa thế gian cần có nhiều ơn Chúa ban cho cách riêng). Cả hai bậc này có gì giống nhau ? Đó là đều phải nỗ lực để nên thánh, xây dựng Giáo Hội, truyền giáo...

Làm sao biết được Chúa muốn tôi đi tu hay lập gia đình ?

Để biết được điều này, chúng ta cần làm các việc sau :

Cầu nguyện : cầu nguyện là chìa khóa số một của ơn gọi. Bởi vì càng gần gũi thân mật với Chúa bao nhiêu càng dễ nghe được tiếng Chúa bấy nhiêu, cũng như  biết rõ hơn ý định của Người. Đã có không ít người được Chúa kêu gọi sống đời tu trì, nhưng họ đã lập gia đình, vì người đó hoặc đã không muốn nghe hay không nghe được tiếng Chúa, hoặc đã nghe được nhưng không sẵn sàng và đủ can đảm để dấn bước theo tiếng gọi.

Suy nghĩ và so sánh: chúng ta cần vận dụng lý trí, suy nghĩ về từng ơn gọi sau đó so sánh. Đặt ra những câu hỏi : tôi hiểu gì về đời sống hôn nhân ? Tình yêu lứa đôi là gì ? Tự bản thân tôi thấy tự nhiên hướng về đời sống nào mạnh ? Tôi có thích đời tu không...?

Tìm hiểu : để lựa chọn, ít nhất có hai con đường phải chọn. Và tìm hiểu kỹ từng con đường. Có nhiều người than thở "tôi đã chọn nhầm ơn gọi". Có nhiều người sau khi lập gia đình một thời lại nói : "Biết khổ thế này, tôi đã không lập gia đình". Đó là do chưa tìm hiểu kỹ con đường đi của mình. Để tìm hiểu, chúng ta có thể gặp các linh mục, tu sỹ, hỏi họ điều này điều kia, giúp tìm hiểu, đọc sách, tham dự các buổi tĩnh tâm ...

Có dấu hiệu nào để biết là chúng ta có ơn gọi tu trì ?

Đây là những dấu hiệu :

Lòng yêu thích và động lực chính đáng: chúng ta tự hỏi xem mình có khuynh hướng lôi kéo hoặc yêu thích đời sống tu trì không ? chúng ta có tham gia vào một vài hình thức sinh  hoạt hay phục vụ nào trong giáo xứ không ? Chúng ta có một đời sống luân lý tốt không ?

Nếu các bạn trả lời càng nhiều "có" thì các bạn càng thích hợp với đời tu nhiều. Nhưng nếu chưa nhiều thì cũng đừng vội bi quan, cho rằng mình không có ơn gọi tu trì. Bởi vì động lực lúc đầu không phải ai cũng hoàn toàn siêu nhiên đâu. Và nếu các bạn không có ơn gọi tu trì thì các bạn tiến bước trong ơn gọi hôn nhân. Bởi vì đó cũng là ơn gọi mà Thiên Chúa dành sẵn khi tạo dựng con người. 

Cầu chúc các bạn tìm được ơn gọi đích thực của mình.

 

Lm. Joseph Cảnh Phan