GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

06/02/2024
718

 


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 115: CUỘC SỐNG LUÔN LÀ LỜI CẦU XIN CHÚA

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

Câu hỏi: Trong giờ kinh của gia đình cũng như khi tập hát trong ca đoàn, mọi người đều bắt đầu đọc Kinh Sáng Soi rất ngắn gọn nhưng sâu sắc. Chúng con cũng hỏi nhau: Kinh Sáng Soi có nguồn gốc ở đâu và ý nghĩa của từng lời kinh là gì? Xin giúp chúng con hiểu sâu xa lời kinh này.

Trả lời: 

Từ ngày còn ấu thơ, chúng tôi những trẻ nhỏ Công Giáo được quý cha, quý sơ và các anh chị giáo lý viên dạy đọc lời kinh Sáng Soi vào đầu giờ học giáo lý. Chúng tôi cũng được khuyên đọc lời kinh ngắn gọn này trước mỗi việc hằng ngày chúng tôi làm. Khi lớn lên bước vào nhiều môi trường sống khác nhau, chúng tôi đều nghe lời kinh Sáng Soi được cất lên trong nhiều trường hợp: trước khi ca đoàn tập hát, trước khi một nhóm chia sẻ Lời Chúa bắt đầu, trước khi một linh mục bắt đầu gợi ý cầu nguyện cho giờ Linh Thao tĩnh tâm.

Vậy lời kinh Sáng Soi này có gốc gác ở đâu, được Giáo hội dùng trong các dịp nào và có ý nghĩa gì cho đời sống tâm linh của người Công Giáo?

Nguồn gốc của kinh Sáng Soi và được Giáo hội dùng trong các dịp nào?

Lời kinh Sáng Soi là một lời kinh rất xưa của Kitô hữu với bản gốc bằng tiếng La-tinh. Chúng ta có thể tìm thấy lời kinh Sáng Soi được dùng là một đoạn cầu nguyện nằm trong kinh Cầu Các Thánh bản xưa và dài do thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả (540-604) đề nghị tín hữu thành Rôma cầu nguyện trong cuộc rước kiệu, để cầu xin Chúa mau chấm dứt cơn đại dịch đang lan tràn ở Rôma thời đó. Dựa trên sử liệu này, lời kinh Sáng Soi có tuổi khá cao. Gần 1400 năm rồi đấy!

Gần đây, kinh Cầu Các Thánh này được nhắc đến trong một văn kiện của toà thánh, do Tòa Ân Giải Tối Cao của Tòa Thánh biên soạn “Sắc Lệnh The Enchiridion of Indulgences - sắc lệnh tổng hợp các kinh nguyện và việc làm được ân xá”, được Đức Thánh Cha Phaolô VI phê chuẩn ngày 15.6.1968 và được ban hành ngày 29.6.1968. Trong đó lời kinh Sáng Soi vẫn được nhắc đến là một lời cầu nguyện ngắn nằm trong Kinh Cầu Các Thánh.

Ngoài ra, Giáo hội cũng đưa lời kinh Sáng Soi vào Phụng Vụ. Cụ thể trong sách Lễ Rôma hiện nay chúng ta đang dùng, lời kinh Sáng Soi được dùng là lời nguyện nhập lễ của ngày thứ năm sau thứ tư lễ tro. Trong Giờ Kinh Phụng Vụ, Giáo hội cũng dùng lời kinh Sáng Soi cho giờ kinh sáng của ngày thứ Hai tuần thứ nhất mùa Thường Niên.

Dưới đây là bản văn kinh Sáng Soi trích từ sách Lễ Rôma: “Lạy Chúa, xin soi lòng mở trí cho chúng con được biết việc phải làm, và khi làm, xin Chúa thương giúp đỡ để mọi công việc của chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều do ân sủng Chúa. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen”.[1]

Ý nghĩa của lời kinh Sáng Soi.

Trong một cuộc yết kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Bênêđictô  XVI đã nhắc đến lời kinh Sáng Soi với tâm tình như sau:

“Đoạn sách được trích từ sách Công Vụ (6,1-7)[2] (…) nhắc nhở chúng ta nhớ đến nhu cầu của chúng ta luôn cần đến Thiên Chúa, cần đến sự hướng dẫn của Ngài, cần đến ánh sáng của Ngài, ánh sáng ban tặng cho chúng ta sức mạnh và hy vọng. Nếu không có lời cầu nguyện trung thành hằng ngày, hành động của chúng ta trở nên trống rỗng, và đánh mất đi chiều sâu nhất của tâm hồn. Cuối cùng hành động của chúng ta bị giảm xuống thành hoạt động thuần túy, mà rốt cuộc chúng ta không hài lòng.

Có một lời cầu nguyện tuyệt đẹp từ truyền thống Kitô giáo có thể được dùng cầu nguyện trước bất kỳ hành động nào. Lời cầu nguyện như sau: (…) ‘Lạy Chúa, xin soi lòng mở trí cho chúng con được biết việc phải làm, và khi làm, xin Chúa thương giúp đỡ để mọi công việc của chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều do ân sủng Chúa’.

Thật vậy, mọi bước đi trong cuộc đời chúng ta, mọi hành động, kể cả hành động của Giáo hội, phải diễn ra trước mặt Thiên Chúa, dưới ánh sáng của Lời Người”[3].

Như thế, lời kinh Sáng Soi đưa chúng ta đi về lại với bản chất yếu hèn rất thật của con người chúng ta, nên chúng ta luôn cần có Chúa, luôn cần có sự hoạt động của Thiên Chúa, đặc biệt khi chúng ta đón nhận sứ mạng tông đồ mà Chúa và Giáo hội trao ban.

Đời tông đồ luôn là lời cầu xin

Nếu đã nói là công việc tông đồ, thì đó là công việc của Chúa trước hết và chúng ta chỉ là những người được Chúa cho phép cộng tác vào, thi hành những gì Chúa muốn. Vì thế, công việc tông đồ luôn diễn ra trong sự hướng dẫn, hoạt động của Chúa và của Lời Chúa. Hơn nữa, trong tiến trình làm việc tông đồ, chắc chắn luôn có thử thách và khó khăn, luôn gặp những trắc trở và chống đối, rồi không ít lần đứng trước ngõ cụt làm nản chí người tông đồ. Vì thế, thật quan trọng để ý thức: đời tông đồ luôn là lời cầu xin.

Như thế, xin Chúa sáng soi, giúp đỡ và hoàn thành công việc tông đồ quan trọng biết bao nhiêu. Càng khiêm tốn và ý thức cầu nguyện với lời kinh xin Chúa Sáng Soi, người tông đồ sẽ được Chúa lắng nghe và Thần Khí của Chúa hoạt động đưa lại biết bao nhiêu hoa trái thiêng liêng tốt lành, như bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền lành và tiết độ (x.Gl 5,16-25).

Sự hướng dẫn soi sáng của Chúa không chỉ cần thiết cho người tông đồ, mà cũng rất cần thiết cho đời sống thường ngày của mỗi người chúng ta, dù là giáo dân hay linh mục hoặc tu sĩ, vì thế thật phúc cho ai biết ý thức mời Chúa bước vào từng dao động của cuộc sống thường ngày.

Mời Chúa bước vào từng dao động của cuộc sống

Kinh Sáng Soi trong tiếng La-tinh có tựa đề là “Actiones nostras”, có nghĩa là các hoạt động của chúng ta. Điều đó có nghĩa gì vậy?

Con người luôn ở trong dao động, dù là dao động với công việc hay “dao động tĩnh” là nghỉ ngơi thanh thản. Khi con người còn ở trong dao động, con người vẫn sống. Nhưng để cho từng dao động tìm được sự trọn vẹn và ý nghĩa tốt lành của nó, cũng như đối với chúng ta là con cái Chúa, để cho dao động cuộc sống tương hợp với thánh ý của Chúa, thì sự ý thức cầu nguyện mời Chúa cùng đi chung trên đường, mời Chúa bước vào dao động cuộc sống thật quan trọng.

“Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con được biết việc phải làm”

Cầu xin với một cái đầu “cúi xuống” mới đúng nghĩa cầu xin, vì như vậy phận người ý thức sự hèn mọn của mình. Thái độ này trái ngược với hình ảnh người Pha-ri-sêu cầu nguyện kiểu khoe khoang và kể công với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12).

Lời cầu nguyện mở đầu với việc tạ ơn Thiên Chúa. Đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên, ông tạ ơn Thiên Chúa về điều gì? Đọc kỹ, chúng ta thấy ông ta bắt đầu kể về chính bản thân ông, nghĩa là ông ta chỉ hướng về chính mình và những cái hay cái tốt nơi ông: “vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình”. Như thế, ông hãnh diện về lối sống đạo đức của bản thân, một kiểu công chính kể công và tự cao tự đại, luôn coi mình hơn người khác. Đó là một thói tự cao cách biệt mình với người khác.

Hình ảnh của người Pha-ri-sêu là một bài học thật lớn đối với chúng ta. Đứng trước Chúa không nên kiêu căng tự hào, không nên dựa vào sự đạo đức và công chính của bản thân, không nên so đo với người khác để tự coi mình là tốt hơn người. Vì thế, thái độ “cúi đầu” thật đẹp lòng Chúa biết bao.

Trong Tin Mừng, chúng ta cũng tìm thấy những hình ảnh sấp mình, cúi mình cầu xin Chúa, như hình ảnh người phong hủi: “Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mc 1,40), như người phụ nữ Ca-na-an và người con hoang đàng đã nhận được những gì họ muốn. Thật vậy, với cái đầu cúi xuống chúng ta chân nhận và thưa với Chúa rằng: “phần con, con chẳng đáng Ngài ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, xin Chúa soi sáng, hướng dẫn, thì hồn con, thân xác con sẽ lành mạnh” (x. Mt 8,8).

Đức Hồng Y John Henry Newman, vị thánh thời đại, có lời cầu nguyện thật đẹp với tất cả sự thành thật của trái tim ngài nói với trái tim Chúa:

“Lạy Chúa, trước đây con đã không luôn ý thức cầu xin Chúa,
giờ đây con ý thức và con xin Chúa:
Xin hãy dẫn bước con!
Trước đây con thường hay xem xét đường đi và
chọn đường nào mà con thích.
Nhưng giờ đây lạy Chúa,
xin hãy dẫn bước con!”.

Được Chúa bước vào đường đời, được Chúa soi sáng các dao động cuộc sống là từng công việc, từng cuộc gặp gỡ và mọi hoạt động. Đó là phúc lành thật lớn. Phúc lành Chúa ban càng lớn, lòng người lại càng phải khiêm nhường tiếp tục nguyện cầu với trái tim chân thành.

“Cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con”

Với lời cầu nguyện này, chúng ta mời Chúa tham dự vào công việc chúng ta đang thực hiện. Chúa không còn đứng bên ngoài để nhìn, mà Chúa bước vào trong chính chiều sâu của tâm hồn, ánh sáng của Thần Khí Chúa chiếu toả vào trong trí khôn của chúng ta, và với quyền năng Thần Khí Chúa hướng dẫn từng bước chúng ta cần đi, chỉ dẫn từng điều nhỏ bé chúng ta cần làm, với sự khôn ngoan Thần Khí Chúa giúp chúng ta biết nói những lời gì cần nói.

“Xin Chúa giúp đỡ” khi đang làm việc và trong chính công việc đang diễn ra, đúng thật là khôn ngoan và khiêm tốn biết bao, vì như vậy chúng ta đang sống nhờ Chúa đấy!

Sống nhờ Chúa là chân nhận: “sự sống là quà tặng Chúa ban”. Sống nhờ Chúa là ý thức: “mỗi giây phút thức giấc chúng ta còn thở là hồng ân Chúa trao”. Sống nhờ Chúa là mỗi bước đi, mỗi việc làm, mỗi lời nói, mỗi suy tư và mỗi nhịp đập của trái tim đều được Chúa thương yêu trao tặng và mọi việc chúng ta làm đều có sự giúp đỡ của Chúa. Sống nhờ Chúa là luôn kín múc năng lượng từ thân cây nho là chính Chúa trao ban cho cành là chính chúng ta.

Chúa hiện diện soi sáng khi bắt đầu một công việc, một ngày sống, Chúa giúp đỡ khi đang làm việc, nghĩa là Chúa cùng “chèo xuồng” chung. Để rồi khi đến đích, thì chúng ta luôn ý thức rằng:

“Từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”

Như thế, trong công việc chúng ta làm, việc cầu nguyện luôn là điều tiên quyết. Sau khi đã cầu nguyện với Chúa để xin ngài soi sáng hướng dẫn và giúp đỡ, chúng ta nỗ lực và chăm chỉ với mọi khả năng để làm việc hết sức mình (hard work); hết mình đến nỗi luôn chú tâm rằng, thành quả của công việc sẽ tuỳ thuộc vào sức của mình, vào sự chú tâm của toàn bộ con người mình.

Nhưng song song, một “năng động ẩn và thiêng liêng” là niềm tín thác và cậy trông hoàn toàn vào Chúa và sự hoạt động cùng ân sủng của Chúa luôn “chạy theo” tiến trình làm việc của chúng ta, để rồi khi hoàn thành công việc, chúng ta trở về vị trí của mình trong khiêm tốn và xác tín rằng: “Công việc này được khởi sự và được hoàn thành mỹ mãn là hoàn toàn do ân sủng của Chúa”.

Nói khác đi, sau khi chúng ta đã đọc kinh xin Chúa Sáng Soi xong, chúng ta bắt tay vào công việc, siêng năng chăm chỉ và chú tâm hoàn toàn, dùng mọi khả năng và phương tiện mình có, và chắc chắn Thần Khí Chúa hoạt động ở bên trái và bên phải mình, ở phía trên và ở cả phía dưới mình, để rồi chính Chúa sẽ làm cho công việc được thành toàn theo ý muốn thánh thiện của Ngài.

Bài viết này được kết với chính lời kinh Sáng Soi, vì mỗi dòng chữ, mỗi tư tưởng dù là khởi đi từ chính tâm tình đơn sơ của con người, nhưng từ lúc khởi sự ngồi vào bàn giấy cho đến khi hoàn thành bài viết, đều do ân sủng của Chúa mà thôi.

Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (06.02.2024)

 

Đọc thêm những câu hỏi đã được trả lời:

Bài 115: Cuộc sống luôn là lời cầu xin Chúa (kinh Sáng Soi)

Bài 114: Đạo “gốc cây” cân đạo “tại tâm”

Bài 113: Gặp Chúa mỗi ngày

Bài 112: Tính dục – Năng lượng yêu thương

Bài 111: Hạnh phúc trong Thiên Chúa

Bài 110: Sơ ơi cứu con! (vấn nạn phá thai)

Bài 109: "Hôn nhân đồng tính" có theo luật tự nhiên và thiên luật?

Bài 108: Của cho không bằng cách cho

Bài 107: Ý nghĩa của lao động

Bài 106: Tình yêu Thiên Chúa và sự dữ trong thế giới con người

Bài 105: Làm giàu trước mặt Thiên Chúa

Bài 104: Đức Giêsu, người thật việc thật

Bài 103: Người tu sĩ đồng tính

Bài 102: Ấp ủ ơn gọi

Bài 101: Cám dỗ nơi người tu sĩ

Bài 100: Bình an nội tâm

Bài 99: Nguồn sống đang bị đe dọa

Bài 98: Công việc người trẻ trong đường hướng của Thiên Chúa

Bài 97: Giáo dân xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô

Bài 96: Giáo hội và vấn đề trợ tử

Bài 95: Thời đại 5G mà còn cầu nguyện à?

Bài 94: Đức tin hay mê tín

Bài 93: Khủng hoảng đức tin có tội chăng?

Bài 92: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong vụ nổ Big Bang?

Bài 91: Khi nào đến ngày tận thế?

Bài 90: Thiên đàng hỏa ngục hai bên

Bài 89: Đòi hỏi của Chúa Giêsu có còn hợp với thời đại công nghệ?

Bài 88: Kính lão đắc thọ

Bài 87: Sự sống thai nhi – Hồng ân bị loại bỏ

Bài 86: Người ngoại đạo chết, linh hồn sẽ đi đâu?

Bài 85: Con nhà người ta

Bài 84: Quan điểm của Giáo hội về hôn nhân đồng tính

Bài 83: Vấn đề ly hôn của người Công giáo

Bài 82: Để trở nên cha mẹ Công giáo tốt

Bài 81: Thánh Giuse - Đấng bảo hộ gia đình

Bài 80: Kinh Thánh có thật là Lời Chúa?

Bài 79: Hỗ trợ sinh sản thông qua y học, nên hay không?

Bài 78: Người kitô hữu sống đức tin giữa lòng thế giới

Bài 77: Không biết không thể phục vụ

Bài 76: Một Giêsu cho người trẻ

Bài 75: Cách Giáo hội đồng hành với con người

Bài 74: Vấn đề độc thân của linh mục

Bài 73: Tình yêu thực sự là gì?

Bài 72: Sống trung thành trong giao ước hôn nhân

Bài 71: Nhẫn nhục làm nên hạnh phúc gia đình

Bài 70: Bất khả phân ly

Bài 69: Gia đình khác đạo

Bài 68: Vượt qua lười biếng

Bài 67: Ý nghĩa của Bí tích Giao hòa

Bài 66: Chúa ơi! Con là người ngoại giáo

Bài 65: Kính nhớ tổ tiên theo truyền thống dân tộc

Bài 64: Giáo hội và vấn đề đồng tính

Bài 63: Kitô hữu là ai?

Bài 62: Chỉ một lần sống trên đời, nên sống sao cho trọn vẹn?

Bài 61: Hoàn thiện trong Đức Kitô

Bài 60: Nghe là làm theo Lời Chúa

Bài 59: Vấn đề sự sống đời sau

Bài 58: Các Thánh trong Cựu Ước và Tân Ước

Bài 57: Ươm mầm đức tin

Bài 56: Tự do

Bài 55: Sống chiều sâu

Bài 54: Bận lòng cùng Chúa

Bài 53: Đức Mẹ đồng trinh trọn đời

Bài 52: Tóm lược đạo Công Giáo

Bài 51: Vợ, hay "con vợ"?

Bài 50: Gia đình Công Giáo đóng góp cho xã hội Việt

Bài 49: Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình

Bài 48: Khôn ngoan thì tha thứ

Bài 47: Thủ dâm có phạm tội không?

Bài 46: Chúa dựng nên con cách lạ lùng

Bài 45: Người Công Giáo có nên đi xem bói?

Bài 44: Thiên Chúa và sự đau khổ

Bài 43: Nguyên nhân người trẻ rời xa Thiên Chúa

Bài 42: Khi con đau khổ, Thiên Chúa ở đâu?

Bài 41: Làm sao tu? Tu làm sao?

Bài 40: Con người trực giác về Thiên Chúa

Bài 39: Sao Thiên Chúa trong Cựu ước ác thế?

Bài 38: Hai nhân vật Giuse trong Kinh Thánh

Bài 37: Phương tiện truyền thông xã hội

Bài 36: Những nơi thờ phượng

Bài 35: Thiên Chúa ở đâu trong trái tim tôi?

Bài 34: Robot thánh

Bài 33: Sống cảm thức cùng Giáo hội

Bài 32: Lập gia đình theo luật Công giáo

Bài 31: Quan điểm của Giáo hội Công giáo về các phương pháp ngừa thai

Bài 30: Có Thiên Chúa thật không?

Bài 29: Cám dỗ tính dục

Bài 28: Chết trong an bình?

Bài 27: Thái độ dành cho những người thuộc giới tính thứ ba

Bài 26: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 2)

Bài 25: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 1)

Bài 24: Giống nhau không?

Bài 23: Khoa học và đức tin: Tưởng thù hóa ra bạn

Bài 22: Để tin vào Thiên Chúa vô hình

Bài 21: Một đời để sống

Bài 20: Những ngày lễ truyền tin của cuộc đời

Bài 19: Cảm nghiệm về Thiên Chúa!

Bài 18: Kế hoạch của Thiên Chúa trong đời ta

Bài 17: Nghiệp quả từ góc nhìn của đức tin Công giáo

Bài 16: Tương thân tương ái

Bài 15: Áo giáp chống nạn

Bài 14: Đức tin kiến tạo hòa bình và công bằng xã hội

Bài 13: Vấn đề truyền giáo

Bài 12: Thờ kính ông bà tổ tiên

Bài 11: Truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo

Bài 10: Bền đỗ trong ơn gọi gia đình

Bài 09: Vấn đề “theo đạo rồi mới cho cưới”

Bài 08: Gieo suy nghĩ tốt

Bài 07: Nhanh từ từ thôi

Bài 06: Hiện tượng bóng ma

Bài 05: Vượt qua khủng hoảng!

Bài 04: Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa

Bài 03: Đừng cám dỗ nhau nhé!

Bài 02: Sao lại kỳ thị người tu xuất?

Bài 01: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời

Lời giới thiệu: Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo

 

[1] Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGM. Việt Nam. Sách Lễ Rô-ma. Ấn Bản mẫu thứ Hai, xuất bản năm 1992. Trang 187.

[2] Cv 6,1-7 nói về việc các Tông Đồ lập nhóm bảy người để giúp các Tông Đồ trong việc phục vu.

[3] Benedict XVI, General Audience, Saint Peter’s Square, Wednesday, 25 April 2012.